1. Lễ hội Hoa Ban
Lễ hội hoa Ban là một lễ hội của người Thái được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch hàng năm, khi hoa Ban bắt đầu nở trắng cả vùng núi rừng Tây Bắc. Lễ hội là dịp thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn của đồng bào tưởng nhớ công lao to lớn của các vị thần cũng như cầu cho quốc thái dân an, bản mường no ấm, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc,…
Sự tích lễ hội Hoa Ban
Chuyện kể rằng, nàng Khôm (tiếng Thái là nghèo, cay đắng) và chàng Tào Lu (nghĩa là giàu có) yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận. Mùa xuân, hai người rủ nhau lên chơi hang Thẩm Đông Ngoạng (hang Thẩm Lé ngày nay). Ít lâu sau, chàng bị cảm rồi chết, biến thành con Tô Mánh Lú (màu đen, to hơn con ve). Nàng Khôm không muốn bị ép duyên với chàng trai khác đã bỏ trốn vào rừng. Nàng chạy, chạy mãi, kiệt sức rồi chết ở trong rừng. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một loại cây có hoa trắng, có hương thơm, mật ngọt. Người dân gọi đó là hoa Ban. Loài hoa ban ấy nở đúng vào mùa xuân, thời gian mà chàng Lu và nàng Khôm cùng nhau đi chơi hang. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng Tây Bắc
Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui. Cũng vào dịp lễ hội này, trai gái trong bản có cơ hội gặp gỡ, hò hẹn, nên duyên với nhau.
2. Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là lễ hội Xuống Đồng đây là một trong những lễ hội truyền thống của dân tộc Tày được tổ chức hàng năm từ những ngày đầu tháng giêng kéo dài đến đầu tháng hai âm lịch. .
Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Lễ hội được tổ chức trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Lễ hội Lồng Tồng là một lễ hội lớn, người dân phải chuẩn bị rất kỹ trước ngày hội. Nhà cửa, xóm làng đều được quét dọn sạch sẽ, dân bản chuẩn bị sẵn lương thực để đón khách. Vào ngày hội xuống đồng, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ bày biện những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giày, bánh bỏng, chè lam,…
3. Lễ hội cầu an bản Mường
Lễ hội cầu an bản mường là một trong những lễ hội truyền thống rất quan trọng của người Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hàng năm, gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng…
Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản Mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất long trọng, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đông bào ở nhiều khu vực lớn. Lễ hội cầu an bản Mường không chỉ bộc lộ khát vọng an lành cho cuộc sống, mối quan hệ khăng khít giữa thần và người mà còn biểu hiện khát vọng sinh sôi qua sự mong muốn là cầu khẩn mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi. Ngoài ra, còn mang tính chất tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho mọi người.
Lễ hội này thường được tổ chức tại một bãi rộng, nơi có nguồn nước, nhiều khi là nguồn nước thiêng, hoặc ở bìa rừng nơi có nhiều cây cối xanh tươi. Có nơi, người ta tổ chức lễ ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng.
Gắn với lễ hội có tục giết trâu để cảm tạ thần linh. Có thể mổ từ một đến bốn con trâu để tế thần. Cỗ cúng thường có 3 mâm nhưng phải đảm bảo có thịt trâu, gạo và rượu. Từ lúc sáng sớm dân trong bản đã tấp nập chuẩn bị vật cúng tế, nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ để diễn ra lễ hội. Phần lễ được kéo đến tận buổi chiều, đến khi mặt trời khuất núi mới là thời gian diễn ra những hoạt động văn nghệ, ca hát cùng các trò chơi dân gian. Trong tiếng cồng, tiếng chiên, trai gái hát đối đáp giao lưu với nhau, tiếng nói cười làm rộn cả khoảng đất trời núi rừng.
4. Lễ hội cầu mưa
Lễ hội cầu mưa là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch.
Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh cai quản mưa nắng không mang yếu tố dị đoan mà chỉ mượn yếu tố tâm linh để dạy bảo con người, phần hội tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục nhân cách, phẩm hạnh để con người vươn tới cái đẹp, của đạo đức truyền thống mà người Thái đã có.
Người Thái ở vùng Tây Bắc quan niệm rằng thần linh cai quản mưa gió thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà cho nên đã không làm mưa khiến cho trời hạn hán, vì vậy trời không mưa là lỗi của những người phụ nữ chửa hoang. Vì vậy dân bản phải làm lễ cầu mưa, cúng lễ các vị chủ nước, chủ sông suối (thuồng luồng, tiếng Thái gọi là Tô Ngược) để mời các thần linh về nghe nguyện vọng của con người đồng thời trách phạt những người phụ nữ đó đã không biết giữ mình. Những lời cầu xin, trách móc được truyền tụng và đúc kết thành các bài cúng và các trò chơi trong lễ hội cầu mưa.
5. Lễ cơm mới
Cứ vào mỗi độ tháng 9 âm lịch hàng năm, khắp các bản làng của người Tày, Bắc Hà lại rộn tiếng giã gạo làm cốm, làm khẩu rang chuẩn bị cho lễ “cơm mới” – một nghi lễ truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của người Tày Bắc Hà.
Theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng” cơm mới”. Lễ “cơm mới” là một trong những nghi lễ quan trọng nên được bà con chuẩn bị rất chu đáo. Ngay từ sáng sớm mỗi người trong gia đình dậy sớm để chuẩn bị các đồ lễ cúng. Lễ cúng “cơm mới” của người dân tộc Tày Bắc Hà thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo là rất quan trọng. Mâm cỗ được dọn ra, gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu tổng kết một năm thành công và rộn rã những lời chúc tụng và cùng cầu chúc bước sang năm sản xuất mới gặp nhiều may mắn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
6. Lễ hội đền Bắc Hà
Ngày hội đền Bắc Hà được tổ chức hàng năm vào ngày 7/7 âm lịch ở đền Bắc Hà Lào Cai, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, nhằm tưởng nhớ ngày mất Gia quốc công Vũ Văn Mật, người đã có công dẹp loạn, an dân, hùng cứ vùng Tây Bắc thế kỷ 16 – 17. Phần Lễ gồm: lễ dâng hương, khoá tế nam, khoá kế nữ, rước kiệu.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài các tiết mục văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương như múa xòe sẽ có nhiều hoạt động thể thao đặc sắc như: đẩy gậy, chọi gà, kéo co, cờ tướng…
7. Lễ hội Hạn Khuống
Lễ hội Hạn Khuống là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, bao gồm nhiều thể loại (hát, kể chuyện) trong khung cảnh ấm cúng và tao nhã. Thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm.
Được tổ chức trên khoảng đất rộng ở bản, thanh niên nam nữ dựng sàn, sàn cao khoảng 1,5m, có hàng rào bao quanh bằng phên mắt cáo, chỉ có một cửa ra vào. Cuộc vui mở vào đêm bên đống lửa sàn. Thanh niên, nam nữ đến hát hò, làm quen, vui chơi, thi tài... Nam nữ hát đối đáp với nhau đến sáng mới chia tay nhau. Đêm hôm sau họ lại tiếp tục ca hát, vui đùa, trò chuyện.
Lễ hội này do nhà các cô gái tổ chức. Thực ra đây là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.
8. Lễ hội “Bung Lổ”
Lễ hội “Bung Lổ”, hay còn gọi lễ hội Cầu mưa truyền thống của người Dao Họ (Dao quần trắng) tỉnh Yên Bái mang đậm giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của người Dao Họ.
Lễ hội “Bung Lổ” được tổ chức khoảng từ ngày 5 đến 15 tháng 5 m lịch tại một gia đình có người làm “thầy đạo”, “thầy múa” có uy tín do dân làng chọn. Thầy múa giữ vai trò chủ đạo trong các tiến trình nghi lễ. Trong lễ hội, các lễ vật và dụng cụ liên quan đến nghi lễ như: lợn, gà, rượu, gạo, hương, giấy bản màu… được chủ nhà lo liệu. Lễ vật cần thiết trên bàn thờ chỉ là mâm cúng đơn giản, các lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, ý tưởng. Ngoài ra còn sử dụng thêm một số dụng cụ khác như: lán cúng “Màn giù”, mâm cúng, mặt nạ, cờ đuôi rồng, thanh la, đao, kiếm gỗ…
Họ cầu trời đất, Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và các đấng thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ cho dân làng một năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, thóc lợn đầy nhà, gà lợn đầy sân.
Kết thúc màn cúng cầu mưa, một con lợn được mổ ra chia làm nhiều phần, khấn dâng lễ vật tạ ơn đến từng vị thần linh. Ngày cuối cùng, dân làng cùng tụ họp rất động tại nhà gia chủ để nấu ăn, trò chuyện và vui mừng trước sự thành công của lễ hội “Bung Lổ”.
9. Lễ hội trùm chăn
Lễ hội trùm chăn của người Hà Nhì còn có tên gọi khác lá lễ hội cúng thần Gió và thần Đất thường được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là một trong những lễ hội đặc biệt của dân tộc ở Sapa.
Lễ hội trùm chăn của người Hà Nhì được tổ chức ở 2 địa điểm là trong nhà và trong rừng cấm. Ngày thứ nhất trong lễ hội, người Hà Nhì sẽ làm làm các lễ cúng tạ thần linh.
Bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng và các trò chơi dân gian phổ biến, lễ hội còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khô già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu cái chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở… trong áo. Vào thời điểm thích hợp, chàng trai lặng lẽ tách khỏi cuộc chơi chung, tìm cách tiếp cận, trùm chăn lên đầu cô gái rồi dẫn ra bìa rừng, bờ suối hoặc chỗ nào đó, hai người ngồi bên nhau tâm sự.
10. Lễ hội nhảy lửa
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được tổ chức hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng. Lễ hội nhảy lửa thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu vào ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 15/1 âm lịch năm sau.
Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần Lửa, ngon lửa mang lại sự may mắn cho họ. Vì vậy, khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. Theo gia phả người Pà Thẻn, thì việc nhảy lửa là để truyền dạy lại cho con cháu đời sau các bài cúng, xua đi nỗi sợ hãi và chỉ những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng.
Lễ hội cũng được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang, thịnh vượng.