Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất miền Tây nhiều đặc ân không phải vùng nào cũng có được, từ đất đai màu mỡ trù phú đến sản vật phong phú có thể nói là nơi “Đất lành chim đậu”. Có lẽ vì điều này đã tạo nên những tính cách dân dã, phóng khoáng, hiền lành của nhũng người dân nơi đây, tạo nên những vườn cây trái ngon lành, sum suê và đặc biệt hơn là những món ăn dân dã chân chất mà đậm đà. Nếu đã đến với miền Tây thì nhất định bạn nên thử những món ăn sau đây để nếm được vị dân dã, đậm đà nơi đây nhé!
1. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang)
Nhắc đến Tiền Giang thì không thể không kể đến món hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn truyền thống của người Hoa được người dân Mỹ Tho cải biến theo khẩu vị địa phương và kể từ thập niên 1960 cho đến nay đã nổi tiếng khắp nơi.
Điều làm nên hương vị riêng khiến hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng là nhờ sự khéo léo từ khâu làm hủ tiếu khô tới kỹ thuật pha nồi nước lèo với của các đầu bếp Mỹ Tho.
Vị ngọt của nồi nước lèo mới là điều đáng kể, để có được vị ngọt thanh đó đầu bếp phải mất nhiều giờ đồng hồ ninh nhừ xương ống, thịt heo và khô mực cùng với củ cải, hành phi và hành lá làm cho nồi nước thêm béo ngậy và thơm lừng. Điều đặc biệt hơn nữa là sợi bánh được làm từ loại gạo Gò Cát có xuất xứ từ vùng đất Mỹ Phong – Tiền Giang, loại gạo này làm cho sợi hủ tiếu không quá dai như miến, sợi hủ tiếu trong và giòn hơn những sợi hủ tiếu khác và đặc biệt hơn hết là nó có mùi thơm của gạo.
Hủ tiếu Mỹ Tho cũng có những thành phần chính như thịt, sợi bánh, nước lèo... nhưng lại rất khác với hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế…, đó là hủ tiếu Mỹ Tho không ăn với xà lách, dấm, rau ghém mà dùng kèm giá sống, hẹ, chanh, ớt, nước tương, nước mắm nguyên chất. Hủ tiếu Mỹ Tho ăn với thịt heo nạc, lòng heo, hoặc tôm thẻ và trứng cút.
2. Nộm bưởi (Vĩnh Long)
Vĩnh Long có nhiều vùng chuyên cây ăn trái, trong đó bưởi là loại quả có giá trị kinh tế cao nên rất được người dân lựa chọn. Về trái bưởi, ta có thể chế biến thành nhiều món ăn mặn, ngọt khác nhau như: chè bưởi, nước ép bưởi, mức bưởi,... và đặc biệt hơn đó là nộm bưởi.
Nhiều du khách “nằng nặc” đòi đầu bếp chỉ cách làm món này ngay từ lần đầu thưởng thức được nó, nhưng không phải ai cũng làm được vị chua ngọt của món ăn này vì nó đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của cách pha nước sốt, chọn lựa những nguyên liệu tươi ngon và đặc biệt là phải đúng loại bưởi Năm Roi nổi tiếng thanh mát của vùng đất Vĩnh Long này.
3. Lẩu mắm (Cần Thơ)
Lẩu mắm vốn là món ăn không xa lại gì với người dân miền Tây Nam Bộ. Từ thành phần nguyên liệu đến cách chế biến đều mang đậm hương vị của vùng sông nước trù miền Tây.
Trước đây, mắm được dùng chế biến được mua từ Châu Đốc, Cà Mau… Trong đó, mắm sặc Châu Đốc là nguyên liệu làm nên tiếng tăm cho món lẩu mắm. Dù vậy, hiện nay, các quán lẩu mắm ở Cần Thơ đã có thể tự sản xuất mắm cho mình, đảm bảo chất lượng tốt, hợp vệ sinh và nâng cao độ “độc quyền” cho thành phẩm.
Để làm ra được một nồi lẩu mắm ngon, cá sặc phải được đánh vảy rồi ướp với các loại gia vị như thính, đường thốt nốt… và mắt khóm, lá khế để nắm vừa thơm ngon, vừa có màu đỏ đẹp đặc trưng. Mắm ngon phụ thuộc rất lớn vào cách nêm nếm, cách pha chế. Đó chính là “vị Cần Thơ” riêng biệt, không thể hoà lẫn vào đâu.
Lẩu mắm ngon phải kể đến sự đa dạng, hài hoà của rau ăn kèm. Có đến 35 loại rau: bông súng, rau nhút, cù nèo, so đũa, rau đắng, càng cua, lục bình, bông bí, ngó sen,… đảm bảo “vai trò” làm món mắm trở nên đậm vị, hoàn hảo.
4. Bánh xèo củ hủ dừa (Bến Tre)
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến dừa – một vùng đất được bảo phủ bởi bóng dừa. Người dân nơi đây họ rất coi trọng cây dừa vì giá trị của nó từ gốc đến ngọn nó đều có thể mang lại lợi nhuận cho bà con. Chẳng hạn: thân dừa có thể làm đồ mỹ nghệ, làm nhiên liệu đốt; lá dừa có thể làm nón, lá nhà, trang trí cổng hoa cưới,... trái dừa dùng để giải khát và củ hủ dừa là một nguyên liệu để chế biến món ăn rất ngon đặc biệt là món bánh xèo củ hủ dừa.
Cũng giống như món bánh xèo truyền thống ngoài các nguyên liệu chính là bột, thịt, tôm, rau sống ăn kèm như: xà lách, diếp cá, rau thơm,… nhưng đến với Bến Tre bạn có thể được ăn kèm thêm củ hủ dừa.
Và sự kết hợp giữa củ hủ dừa và nguyên liệu truyền thống của bánh xèo làm cho món ăn càng thêm sự hấp dẫn, thơm ngon.
5. Bánh tét cốm dẹp (Trà Vinh)
Nhắc đến Trà Vinh có rất nhiều món ăn ngon níu chân du khách như: bún suông, bún nước lèo, mắm bò hóc,... nhưng có một món ăn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi du khách đó là bánh tét cốm dẹp.
Nguyên liệu chính để làm nên bánh là cốm dẹp, đây cũng là nếp nhưng người ta gặt sớm hơn khoảng nửa tháng, sau đó cho vào chảo để rang trên lửa nhỏ cho chín, sau đó cho vào cối giã, lấy ra nia sẩy sạch vỏ trấu, còn lại là phần cốm. Người dân họ gói cốm dẹp với nhân đậu xanh, thịt mỡ và đặc biệt không quên nước cốt dừa – đặc sản của vùng đất này.
Sau khoảng 6 – 7 giờ nấu trên bếp lửa hồng chúng ta có thể vớt bánh ra, ta đợi cho vỏ bánh ráo nước và nguội lại để có thể thưởng thức đúng vị mềm dẻo, thơm ngon mà còn ấm nóng của bánh.
6. Cơm gói lá sen (Đồng Tháp)
Nếu Bến Tre nổi tiếng với dừa thì Đồng Tháp nổi tiếng với những cánh đồng sen đẹp ngút ngàn. Cũng như dừa ở Bến Tre sen có thể tận dụng tất cả các bộ phận để làm nguyên liệu nấu ăn, làm trà hay làm thuốc. Sen có thể làm ra nhiều loại món ăn ngon như: gỏi ngó sen, chè hạt sen, trà sen,...
Một món ăn ngon dân dã không thể bỏ qua khi nhắc đến sen hồng Đồng Tháp đó là món cơm gói lá sen. Cơm gói lá sen được hình thành từ lâu, gắn với cuộc sống, văn hóa của người miền Tây sông nước như Đồng Tháp. Cơm gói lá sen được nấu từ loại gạo huyết rồng, là một loại gạo màu đỏ, hạt nhỏ, trong, thon dài cho hương vị ngon hơn bất kỳ loại gạo nào khác.
Hạt sen được chọn rồi trộn cùng muối mè bọc trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, người ta sẽ mở lá sen ra, ở đó cơm màu đỏ, hạt sen trắng cùng muối mè màu đen nổi bật, ấn tượng. Cơn gói lá sen có hương vị đặc biệt của hạt sen, của thứ gạo quý và cùng vị bùi của muối mè đen. Cơm gói lá sen ăn càng chậm nhai càng kỹ càng thấm được vị ngọt, vị bùi bùi và phảng phất hương thơm của sen.
7. Canh chua cá linh bông điên điển (An Giang)
An Giang một vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với những cảnh sắc tuyệt đẹp. Bên cạnh đó vùng đất này còn được thiên nhiên ưu ái cho nhiều thực vật và sản vật nước ngọt phong phú đa dạng tạo nên nhiều món ăn ngon đậm đà níu chân du khách.
Trong các loại thủy sản mùa nước nổi, cá linh trở thành đặc sản, giàu chất dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong chế biến món ăn của người dân An Giang. Từ thượng nguồn sông Mekong, trứng cá linh trôi theo dòng nước đổ về, cá vừa di chuyển theo con nước vừa phát triển nhờ vào nguồn thức ăn có trong nước.
Từ cá linh, người dân địa phương có thể chế biến thành nhiều món ăn, như: kho, chiên, nướng, đặc biệt là canh chua cá linh bông điên điển. Tuy chỉ là món ăn bình dị nhưng canh chua cá linh bông điên điển đã trở thành đặc sản nổi tiếng, chinh phục thực khách từ màu sắc, hương thơm, vị chua thanh của nước dùng.
Ngoài ra, cá linh còn có thể nấu canh chua với các loại rau đồng khác, như: bông súng, rau muống, bông so đũa, cù nèo… chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Không chỉ có bông điên điển, bông súng, ngó sen, vào mùa nước nổi, các loài rau đồng tự nhiên có điều kiện phát triển, mang lại cho người dân nơi đây nhiều loại rau thiên nhiên dân dã, như: rau dừa nước, rau nhút, củ ấu, đọt mướp gai... Các loài rau dại đã trở thành món ăn quen thuộc, thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của người dân An Giang.
8. Bánh bò thốt nốt (An Giang)
Đến với Châu Đốc An Giang qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên,... đâu đâu bạn cũng có thể gặp cây thốt nốt,... có thể nói đây là đặc trưng của người Khmer Nam Bộ và đây cũng là loại cây đa dụng của vùng Thất Sơn huyền bí.
Nguyên liệu để làm bánh gồm bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, cơm rượu còn lẫn nguyên cái, nước dừa tươi, nước cốt dừa… Các loại bánh bò bình thường đa số được làm bằng đường cát trắng hoặc đường cát vàng. Riêng bánh bò thốt nốt lại được làm từ đường thốt nốt, tạo nên vị ngọt thanh và beo béo. Cách làm bánh bò thốt nốt không đơn giản mà phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Phải là người quen tay và biết công thức làm thì mới cho ra món bánh bò ngon và có màu sắc bắt mắt.
Đầu tiên kể đến là gạo, gạo được dùng phải là gạo nàng Nhen cũ đặc sản của vùng Bảy Núi, sau đó đem gạo đi xay thành bột. Trái thốt nốt được chọn là trái già chín tới lấy đi gạn lấy bột. Tiếp đến là phần đường, đường thốt nốt là loại đường tán không lẫn tập chất. Người làm sẽ cho tất cả hỗn hợp vào một cái thau trộn đều cùng với một ít nước cốt dừa và một ít nước theo tỷ lệ vừa đủ và ủ kín qua đêm. Đặc biệt, người dân sẽ cho thêm một ít nước cơm rượu để bánh mau lên men và có độ xốp khi được đem đi hấp.
Chiếc bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm đặc trưng của đường thốt nốt, bánh nở phồng xốp trông như hoa nhờ gạo ngon, ủ khéo và vị đậm thơm mùi lá. Vị xôm xốp của bánh, ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoảng đặc trưng của đường thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được.
9. Gỏi cá trích
Kiên Giang là tỉnh có đường bờ biển dài hơn 200km nên snr lượng hải sản được ngư dân đánh bắt mỗi ngày là không hề nhỏ. Trong các loại hải sản đa dạng và phong phú đó thì cá trích là loại cá có giá trị kinh tế cao. Trên bàn ăn của ngủ dân hay bàn tiệc trên các hàng quán ở Kiên Giang du khách có thể dễ dàng nhìn thấy gỏi các trích.
Muốn có món gỏi cá trích chất lượng, người ta phải chọn những con cá còn tươi rói. Những con cá tròn mẩy lớn hơn ngón tay được cắt đầu, đuôi, xẻ dọc hai bên thân để lấy thịt, loại bỏ xương, rồi được đem ướp với gừng, tỏi băm và trộn đều với thính. Coi như đã có một đĩa gỏi cá trích.
Tuy cùng là món gỏi nhưng dân địa phương ở Hà Tiên có những cách chế biến khác nhau. Có người lấy thịt phi-lê cá trích ướp trước với ít nước cốt chanh hoặc giấm trong vài phút rồi chắt bỏ nước. Sau đó cho thêm nước mắm nhĩ, đường, gừng, ớt và củ hành tây xắt nhỏ, trộn đều lên. Người khác thì phi tỏi, củ hành tím cho thơm lừng trước khi trộn với thịt cá tươi và cho thêm ít thính để khử mùi cá. Nhưng muốn có một đĩa gỏi cá trích hảo hạng, người đầu bếp phải chế biến đúng bài bản, nhất là không thể thiếu đậu phộng rang vừa giòn thơm và dừa nạo. Kèm theo một đĩa bánh tráng dẻo, đĩa bún nhỏ sợi, rau non và nước chấm. Riêng nước chấm phải chế biến từ nước mắm nhĩ thơm thanh, được gia vị hài hòa với một chút chua chua của giấm nuôi, cay cay của ớt hiểm giã và vị ngọt, độ béo của đường, đậu phộng rang giã nhuyễn.
10. Ba khía Rạch Gốc (Cà Mau)
Khi đến Cà Mau tham quan và du lịch, du khách khó mà có thể từ món ăn đặc sản đậm chất sông nước của miền Tây Nam bộ nơi đây, đó chính là ba khía Rạch Gốc nổi tiếng. Ở miền Tây Nam Bộ, đâu đâu cũng có ba khía nhưng nổi tiếng nhất là ba khía Rạch Gốc. Chắc hẳn những ai từng đặt chân đến mảnh đất Cà Mau này đều không thể bỏ lỡ việc thưởng thức món mắm ba khía của người dân nơi đây, món được mệnh danh “ăn một lần, nhớ một đời”.
Ba khía trông rất giống cua đồng, phần dưới có tám ngoe lấm chấm những sợi lông tơ, có hai càng màu nâu đỏ, mai màu nâu sẫm có 3 vạch nên người ta gọi là ba khía. Ba khía sống ở những nơi có nước lợ, mặn, dưới nhưng tán đước, chúng thường có mặt tại nhiều nơi như Gò Công, Cần Giờ,… nhưng đặc biệt nhất là ở Rạch Gốc – Cà Mau vì ba khía ở đây có thịt chắc nịch và thơm hơn nhưng vùng khác.
Ba khía sau khi bắt về, rửa sạch rồi nêm nếm gia vị vừa ăn, không quá mặn cũng không quá nhạt. Sau khoảng một tuần, màu sắc ba khía được làm ra vẫn giữ màu sắc như ban đầu thì sản phẩm đã đạt chất lượng. Ngoài món mắm ra, ba khía tươi còn được chế biến với thức đơn khá đặc sắc và phong phú như: rang muối, rang me, hấp bia, xào sa tế,…. Mắm ba khía đặc biệt bao nhiêu thì món ba khía tươi được chế biến sẽ thơm ngon và hấp dẫn bấy nhiêu! Mỗi đặc sản ở mảnh đất Cà Mau này đều có hương vị đặc sắc và độc đáo khác nhau nhưng mắm ba khía Rạch Gốc – Cà Mau chính là một món quà ẩm thực vô giá mà thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho con người nơi đây.